Các loại thuốc dược liệu hiện nay được nhiều người tin dùng bởi sự lành tính và tác dụng lâu dài mà nó mang lại. Tuỳ vào từng loại dược liệu mà có những phương pháp chế biến khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp chế biến dược liệu được sử dụng nhiều nhất!
*** Bài viết này chúng tôi chỉ đề cập tới các phương pháp chế biến dược liệu có nguồn gốc thực vật (thảo dược).
Mục đích của chế biến dược liệu
- Chế biến dược liệu giúp làm thời gian bảo quản được kéo dài, tránh làm khô thuốc, giảm độ ẩm và hạn chế tình trạng mối, mọt, mốc. Phương pháp này cũng góp phần thay đổi tính chất của một số thành phần hoá học của dược liệu dễ gây nấm mốc, giúp tạo ra lớp bảo vệ thuốc dược liệu trong thời gian dài.
- Tăng khả năng hỗ trợ điều trị bệnh của một số loại thuốc bằng cách chế biến với một số nguyên liệu khác.
- Tạo ra các tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh mới của dược liệu.
- Các phương pháp chế biến dược liệu góp phần thay đổi tác dụng của thuốc bằng cách thay đổi tính vị của thuốc.
- Làm giảm những tác dụng không mong muốn, giảm độc tính của vị thuốc (chẳng hạn: để làm giảm tác dụng phụ của hà thủ ô đỏ gây táo bón, tiêu chảy do anthranoid và tannin gây ra thì ngâm hà thủ ô với nước vo gạo sẽ giảm tình trạng này).
- Ổn định tác dụng của thuốc, quá trình chế biến như sao vàng hoặc sấy khô giúp làm giảm độ ẩm của thuốc. Từ đó tránh được sự phân hủy của các thành phần hoạt chất.
- Thuận tiện hơn cho việc sử dụng.
- Các phương pháp chế biến dược liệu làm tăng khả năng giải phóng các hoạt chất, giảm tính bền vững cơ học nên làm tăng hiệu lực của thuốc.
Các cách chế biến dược liệu thông dụng và tiện lợi nhất
Y học cổ truyền thường dựa vào từng loại thảo dược, phương pháp chữa bệnh mà sử dụng nhiều cách chế biến khác nhau như: phơi khô, sao vàng hạ thổ rồi sắc nước uống hoặc chế biến thành dạng viên hoàn,… Ngày nay, với sự kết hợp của Khoa học hiện đại mà con người đã sáng tạo ra nhiều phương pháp chế biến dược liệu khác nhau với mục đích giúp con người hấp thụ tối đa các hoạt chất có lợi trong dược liệu.
Các cách chế biến dược liệu phổ biến và thường thấy nhất hiện nay có thể kể đến như:
Trà hoặc nước sắc
Trà dược liệu là thành phẩm của quá trình chiết xuất dược liệu thành nước uống thông qua thuỷ phân. Hiện nay, cách phổ biến được các nhà sản xuất áp dụng là sấy khô dược liệu thành dạng trà túi lọc để giữ được đặc tính trong quá trình vận chuyển đến người dùng.
Sắc thuốc là phương pháp chế biến dược liệu ít phổ biến hơn. Người dùng phải trải qua các công đoạn từ sơ chế đến đun/sắc nước trong nhiều giờ đồng hồ mới có thể sử dụng nước thuốc để điều trị các triệu chứng bệnh theo kê đơn/hướng dẫn của thầy thuốc.
Dạng ngâm là dùng cách pha lạnh các loại cây dược liệu có hàm lượng chất nhầy lớn (cây xô thơm, húng tây), tiến hành thái lát mỏng và ngâm với nước lạnh trong khoảng từ 7 đến 12 tiếng.
Xem thêm: Uống trà khô có tốt không?
Cách chế biến dược liệu dưới dạng cao
Đây là phương pháp chế biến dược liệu phổ biến được rất nhiều đơn vị thực hiện vì việc sản xuất cao không quá phức tạp. Dược liệu sau khi được sơ chế sạch sẽ, dựa vào bản chất của từng dược liệu khác nhau mà ta sử dụng các dung môi tương ứng.
Hiện nay, có nhiều phương pháp chiết xuất dược liệu phổ biến được áp dụng như : ngâm, hầm sắc, nấu áp suất… sau khi chiết xuất, ta lọc bỏ bã dược liệu thu được dịch chiết. Cao dược liệu sẽ được tạo thành từ quá trình cô đặc dịch chiết để loại bỏ dung môi.
Tùy theo nhu cầu sử dụng mà đơn vị sản xuất sẽ chia làm các dạng cao như: cao lỏng, cao đặc, cao khô, bột cao sấy phun sương.
Ngày nay, việc chiết xuất – cô đặc cao dược liệu được ứng dụng các phương pháp công nghệ cao thay cho chiết xuất dược liệu bằng phương pháp thủ công không đảm bảo (sử dụng nồi sắt, nhôm, đồng,… để nấu, hầm dài ngày dễ bị nhiễm kim loại nặng hay việc không thể kiểm soát nhiệt độ khi đun nấu thủ công dễ làm biến đổi các hoạt chất có trong dược liệu). Ngoài việc chú trọng tới nguồn gốc dược liệu, tính an toàn của dung môi thì việc áp dụng khoa học kĩ thuật trong quá trình chiết xuất là rất quan trọng.
Phương pháp chế biến dược liệu dưới dạng cồn thuốc
Phương pháp này thường được áp dụng bởi các dược sỹ chuyên khoa hay các đơn vị sản xuất dược liệu chuyên nghiệp để lấy được tối đa dược chất có trong dược liệu. Thông thường, phương pháp cồn thuốc được sử dụng bằng cách pha dung môi 100% thuần ethanol. Với cây dược liệu, quá trình sau chiết xuất từ cồn thuốc sẽ có tỷ lệ ethanol lưu lại vào khoảng 25% hoặc những trường hợp cụ thể lên đến 90%.
Rượu thuốc và cồn ngọt là chiết xuất từ dược liệu có tỷ lệ ethanol vào khoảng 12 – 38%. Phương pháp chiết xuất được chia thành 2 dạng chính:
- Chiết xuất dạng lỏng: có tỷ lệ ethanol trong dung dịch thấp và được điều chế từ máy chưng cất chân không.
- Chiết xuất dạng sấy khô: dược liệu sẽ được sấy để bốc hết hơi nước còn lại, giúp cô đọng các thành phần quan trọng trong dược liệu khô. Sau đó dạng chiết xuất sấy khô có thể được chế biến thành viên nang hoặc viên nén.
Phương pháp chế biến dược liệu dưới dạng tinh dầu
Có nhiều loại dược liệu có khả năng hỗ trợ điều trị một số căn bệnh ngoài da rất tốt. Nên cách sử dụng tối ưu nhất với những loại dược liệu này là chiết xuất tinh dầu. Ví dụ dễ thấy nhất là các chai dầu gió chúng ta hay dùng hàng ngày để trị sưng tấy ở một số vùng da nhất định.
Do các loại dược liệu sau khi chiết xuất có tác dụng rất mạnh, có thể gây bỏng da nên cần phải pha loãng với dầu thực vật để có thể sử dụng an toàn trên cơ thể. Sản phẩm sau khi kết hợp với các loại dầu thực vật theo công thức riêng của nhà sản xuất có các dạng chính như: dầu thoa (dầu bôi da), thuốc mỡ, kem hoặc các dạng dung dịch lỏng khác.
Dạng bột cốm
Đây là phương pháp chế biến dược liệu hoàn toàn mới tại nước ta. Cách điều chế dưới dạng bột cốm giúp rút ngắn các công đoạn sơ chế dược liệu thô để cơ thể người có thể hấp thu dễ dàng. Dạng bột cốm được sản xuất bằng cách đưa nguồn dược liệu thô vào sản xuất từ các hệ thống cô chiết, cô cao, sấy phun sương để tạo thành bột cao, sau đó bột cao được phối trộn cùng các tá dược mà nhà sản xuất đã nghiên cứu tỉ mỉ từ trước đó. Thông qua các máy công nghệ cao như: máy sấy tầng sôi, máy nghiền, máy trộn,… mới có thể tạo ra bột cốm. Bột cốm có thể hoà tan vào nước để sử dụng trực tiếp hoặc kết hợp các loại bột cốm theo từng bài thuốc để đạt hiệu quả cao nhất.
Để có được thành phẩm bột cốm đủ tiêu chuẩn chất lượng, cơ sở sản xuất phải có các chứng nhận đáp ứng về an toàn thực phẩm, có đầy đủ trang thiết bị, hệ thống sản xuất hiện đại. Có đủ khả năng để thành bột cốm trong thời gian rất ngắn. Đảm bảo rằng dược liệu trong quá trình sản xuất không bị phơi nhiễm với điều kiện môi trường bên ngoài cũng như bị lẫn các tạp chất gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng của bột cốm.
Dược liệu phải trải qua quá trình bào chế phức tạp mới có thể trở thành vị thuốc có công dụng bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Hy vọng với những thông tin trong bài viết này về một số phương pháp chế biến dược liệu thông dụng hiện nay sẽ giúp bạn hiểu hơn về quá trình tạo ra các vị thuốc dược liệu. Chúc bạn luôn mạnh khoẻ!