Cây mã đề từ xưa đã nổi tiếng là một loại thảo dược quý có nhiều công dụng điều trị bệnh tuyệt vời, đặc biệt các bệnh liên quan tới gan, thận. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về thảo dược này cũng như tác dụng của nó qua bài viết dưới đây.
Hình ảnh cây mã đề
Cây mã đề là loài cây mọc tự nhiên và quen thuộc đối với người dân Việt. Cây có thể được gọi bằng nhiều tên khác như bông mã đề, xa tiền thảo, bông lá đề…. tùy theo từng vùng miền.
Tên khoa học của cây mã đề là Plantago major L, Plantaginaceae (họ Mã đề)
Đặc điểm của cây mã đề
Mã đề là loài cây mọc dại nhưng lại có những điểm rất dễ để phân biệt với các loài khác. Dưới đây là những đặc điểm nổi bật giúp bạn dễ dàng nhận ra loại thảo dược này.
- Cây mã đề thuộc loại cây thân thảo, thấp, thường sống thành đám.
- Lá cây mọc thành cụm hình hoa thị từ gốc. Phiến lá rộng, hình thìa hay hình trứng. Gân lá hình cung, có nhiều gân chạy dọc theo sống lá. Mép lá uốn lượn, cuống lá dài.
- Hoa mã đề rất đặc biệt. Hoa mọc nối nhau ở kẽ lá, tạo thành cán dài khoảng 20cm, dựng thẳng lên trời.
- Quả nang nhỏ, hình chóp thuôn. Bên trong quả chứa khoảng 8 -12 hạt hơi dẹt, màu nâu sẫm hoặc đen bóng. Hạt nhỏ trông giống như hạt mè.
Cây mã đề mọc ở đâu?
Cây mã đề mọc hoang ở nhiều nơi từ bụi rậm, góc vườn, ven đường đến khu vực rừng núi, phổ biến ở một số vùng như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa và nhiều tỉnh thành phía Nam.
Hiện nay, do nhu cầu sử dụng tăng cao, đã có nhiều nơi tiến hành trồng loại thảo dược này.
Phân loại
Dựa vào môi sinh sống, mã đề được chia làm hai loại. Đó là cây mã đề nước và cây mã đề khô
- Cây mã đề khô: Loài này thường sống ở những nơi đất cao, khô và có khả năng chịu được khô hạn khá tốt.
- Cây mã đề nước: Thường sống tại ven hồ, ruộng hay đầm lầy. Chúng cũng mang những đặc điểm của mã đề khô nhưng lá thường tốt hơn. Phần rễ và thân ngập trong bùn, nước.
Bộ phận dùng và thu hái
Hầu hết các bộ phận của cây mã đề đều được sử dụng. Cùng xem nhé!
Vào tháng 7 hoặc 8, quả chín thì có thể thu hái toàn cây đưa về phơi hay sấy khô. Nếu lấy hạt thì đập rũ cây lấy hạt, rây qua rồi phơi khô. Nếu dùng lá có thể hái gần như quanh năm. Không cần chế biến gì đặc biệt, có thể dùng tươi hay khô.
Các vị dược liệu từ cây mã đề
- Hạt mã đề khô gọi là Xa tiền tử.
- Toàn cây mã đề bỏ rễ, làm khô gọi là Xa tiền thảo.
- Lá mã đề có thể để tươi hoặc sấy khô
Xem thêm: Dây thìa canh
Thành phần hóa học của cây mã đề
Các nghiên cứu chỉ ra rằng các bộ phận của cây mã đề chứa nhiều thành phần hoạt chất có lợi cho sức khỏe con người.
- Thân cây chứa glucozit được gọi là aucubin hay rinatin.
- Lá cây có chứa chất nhầy, chất đắng, carotin, vitamin C, K yếu tố T…
- Hạt có chất nhầy, axit plantenolic, choline và adnin.
Tác dụng của cây mã đề
Theo quan điểm ý học cổ truyền vị thuốc mã đề có vị ngọt, tính hàn; quy vào các kinh can, thận và bàng quang. Cây mã đề có công dụng lợi niệu thẩm thấp, mát gan, sáng mắt nên được sử dụng để trị các bệnh gan, thận rất hiệu quả.
Vậy cụ thể tác dụng của cây mã đề là gi? Hay cây mã đề chữa bệnh gì? Các bạn có thể tham khảo 7 tác dụng dưới đây ngay nhé.
Cai thuốc lá
Bạn có biết? Cây mã đề là một thảo dược có tác dụng hỗ trợ cai thuốc lá rất tốt. Tác dụng thần kì này có thể đạt hiệu quả tới 80%, từ đó nâng cao sức khỏe của người bệnh.
Theo nghiên cứu, mã đề tạo ra cho người sử dụng cảm giác khó chịu tự nhiên với thuốc lá. Từ đó, người hút dần từ bỏ sử dụng thuốc lá hàng ngày.
Bạn có thể dùng cao lỏng mã đề xịt vào miệng hoặc dùng cây mã đề khô pha trà, nấu nước để uống. Thực hiện trước khi chuẩn bị hút thuốc lá, sau một thời gian thói quen hút thuốc lá sẽ dần được cải thiện.
Cây mã đề hỗ trợ điều trị bệnh Gout
Bệnh Gout sinh ra do sự lắng đọng của tinh thể urat tại các vị trí bởi nồng độ quá cao của acid uric trong máu.
Theo các nghiên cứu, hạt mã đề có tác dụng ức chế hoạt động của enzyme xanthine oxidase – enzyme cần thiết cho quá trình tổng hợp acid uric trong cơ thể. Vì vậy, nó có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh Gout, dự phòng cơn Gout cấp tái phát. Đây có thể là lựa chọn an toàn và hiệu quả để thay thế một số loại thuốc Tây trong điều trị Gout.
Tin liên quan
Cây mã đề chữa viêm đường tiết niệu
Bạn đã nghe đến cặp dược liệu râu ngô và bông mã đề? Đây là 2 loại thảo dược đều có tác dụng lợi tiểu, tiêu sưng và ngăn ngừa viêm nhiễm rất tốt.
Bài thuốc trị viêm đường tiết niệu như sau: Mã đề với râu ngô, mỗi loại 30 gam. Đem rửa sạch, đun sôi với 200ml nước, uống trước bữa ăn. Có thể thêm đường cho dễ uống.
Sau một thời gian kiên trì sử dụng, có thể thấy những triệu chứng của viêm đường tiết niệu như tiểu buốt, tiểu rắt được cải thiện rõ.
Trị sỏi thận
Cây mã đề có tác dụng lợi tiểu, tán sỏi, thanh nhiệt hiệu quả. Trong việc trị sỏi thận, có thể sử dụng loại cây này đơn lẻ hoặc kết hợp với các thảo dược khác để mang lại hiệu quả tốt hơn.
Có thể áp dụng một số bài thuốc sau: 16g mã đề, 20g thạch cao, 12g bạch truật, quế chi, cam thảo mỗi loại 6g hoặc mã đề 30g, ý dĩ 20g, trạch tả 25g, cam thảo 6g. Đem sắc lấy nước uống hàng ngày.
Cây mã đề trị mụn
Các trường hợp mụn do nóng trong, can nhiệt dùng cây mã đề rất hiệu quả do nó có tính hàn, mát nên thích hợp cho người có cơ địa nóng. Mã đề giúp thanh nhiệt, giải độc, làm mát gan, từ đó điều trị mụn từ bên trong. Bạn chỉ cần dùng cây mã đề khô nấu nước, uống thay nước lọc hàng ngày sẽ thấy tình trạng mụn được cải thiện sau một thời gian.
Ngoài ra, hàm lượng cao các dưỡng chất có trong lá cây giúp da trở nên đẹp hơn, sáng mịn, làm mờ vết thâm, nhanh lành sẹo. Giã nát lá cây đắp lên mặt, thực hiện 1-2 lần/tuần bạn sẽ thấy được hiệu quả rõ rệt.
Cây mã đề chữa bệnh gan
Một số bài thuốc chữa bệnh gan có sử dụng cây mã đề:
- Trị viêm gan cấp tính: nhân trần 40g, mã đề, hạ khô thảo 20g mỗi vị, đại phúc bì 16g, đẳng sâm 12g, sắc uống mỗi ngày một thang.
- Trị viêm gan mạn tính: nhân trần 20g, đẳng sâm, ý dĩ, mỗi vị 16g, mã đề, phục linh, trạch tả, bạch truật, mỗi vị 12g, trư linh 8g. Sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang.
Các tác dụng khác
Ngoài những tác dụng kể trên, mã đề còn có một số tác dụng khác như:
- Hỗ trợ trị ung thư
- Chữa bệnh đường hô hấp
- Tốt cho tiêu hóa
- Trị côn trùng, rắn cắn
- Giảm đau bằng cây mã đề…
Cách sử dụng cây mã đề
Cây mã đề nấu canh
Mã đề có thể được sử dụng như một loại rau ăn hàng ngày. Phần lá non của cây có thể ăn như rau sống, dùng để xào hay nấu canh. Chọn những lá mã đề non, đem rửa sạch, cắt khúc vừa ăn và nấu như các loại canh rau khác. Bạn có thể nấu với tôm hoặc thịt bò đều được.
Đây là món ăn rất dễ thực hiện và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp lợi tiểu, kích thích ăn ngon, hỗ trợ tiêu hóa tốt.
Trà mã đề
Trà mã đề có tác dụng tốt cho thận và đường tiết niệu. Bạn có thể dùng vị thuốc xa tiền thảo (toàn cây mã đề khô) để pha trà hay nấu nước uống thay nước lọc sử dụng hàng ngày.
Lưu ý khi dùng cây mã đề
Bên cạnh những lợi ích mà cây mã đề mang lại, có một số điều các bạn cần lưu ý khi sử dụng loại thảo dược này:
- Phụ nữ có thai và cho con bú khi dùng cần thận trọng, chú ý về liều lượng. Cần tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi dùng.
- Không sử dụng cây mã đề cho trẻ dưới 3 tuổi.
- Người già, thận yếu hay đi tiểu về đêm nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng.
- Trong quá trình dùng nên hạn chế rượu bia, đồ cay nóng.
Bài viết trên đây đã cung cấp đầy đủ các thông tin về cây mã đề cũng như công dụng và cách sử dụng của nó. Nếu có thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi ngay để được giải đáp. Cùng chung tay bảo vệ sức khỏe gia đình bạn.