Nhắc tới cây nha đam, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới làm đẹp, dưỡng ẩm cho da. Nhưng bạn có biết, ngoài tốt cho da nha đam còn có nhiều tác dụng tuyệt vời bất ngờ khác. Đọc bài viết dưới đây để biết cây nha đam có tác dụng gì đối với sức khỏe ngay nhé.
Hình ảnh cây nha đam
Cây nha đam được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như cây lô hội, long tu, lưu hội, long thủ… Lô hội có tên khoa học là Aloe vera, Asphodelaceae.
Nha đam vốn có xuất xứ từ vùng Châu Phi. Ở nước ta, cây được trồng ở hầu hết các tỉnh từ Bắc tới Nam. Đặc biệt có các khu vực trồng cây nha đam số lượng lớn cho mục đích thương mại như vùng Phan Thiết, Phan Rang… thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
Đặc điểm thực vật
Cây nha đam thuộc loại thân thảo, sống lâu năm.
Lá cây lô hội màu xanh lục mọc sát nhau từ gốc, không có cuống. Lá hình có hình mũi mác, có thể dài 40 đến 60cm, mọng nước, mép lá có răng cưa.
Cây nha đam có hoa không? Có, nhưng phải lâu năm cây mới có hoa. Hoa cây nha đam màu vàng lục hoặc hồng, mọc giữa cụm lá. Hoa mọc thành chùm dài, nở rộ vào mùa hè và thu.
Cách trồng cây nha đam
Có nhiều loại cây lô hội khác nhau nhưng hiện nay phổ biến hơn cả là
- Cây nha đam Mỹ: Lá dài và dày, nhiều gai, bẹ to năng, có phấn trắng. Loại này thường trồng ở vườn cho mục đích thương mại.
- Cây nha đam Việt Nam: Lá nhỏ và mỏng hơn, ít gai hơn, không có phấn trắng. Đây là loại thường được trồng làm cây nha đam cảnh.
Nha đam là loại cây dễ trồng. Bạn chỉ cần đặt 1 lá nha đam trên nền đất, vun đất để che một nửa lá, rồi đặt chậu cây ở nơi có nhiều nắng. Nhớ duy trì độ ẩm cho chậu cây bạn nhé.
Sau một thời gian, cây sẽ ra rễ. Bạn có thể đào cây con đã ươm lên và đem trồng ở vườn hoặc trong chậu. Cây lô hội chịu được nắng hạn nhưng sẽ phát triển tốt khi độ ẩm của đất vừa phải.
Bộ phận dùng thu hái, chế biến và bảo quản
Bộ phận dùng của cây nha đam là lá cây
Thu hái: Sau khi trồng được 6 tháng, bạn có thể thu hoạch lá lần đầu. Sau đó cứ 1 tháng có thể thu hoạch 1 lần.
Chế biến: Sau khi thu hoạch, cắt bỏ bớt phần gốc, rửa sạch. Loại bỏ mủ, nhựa vàng và vỏ ngoài của lá cây nha đam, tách lấy phần thịt bên trong. Có thể rửa với nước muối hạt để loại bỏ vị đắng và nhớt.
Có thể dùng cây nha đam ngâm rượu, nấu chè, làm thực phẩm hay dùng ngoài da.
Bảo quản: Dịch nha đam để trong lọ kín, đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Thành phần hóa học của cây lô hội
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra cây lô hội có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng khác nhau có lợi cho sức khỏe con người.
- Khoảng 23 loại acid amin
- Các loại vitamin cơ bản: Vitamin B1, B2, B5, B6, C, A, E…
- Các nguyên tố khoáng vi lượng: Na, K, Ca, P, Mg, Mn, Cr…
- Prostaglandin và các axit béo chưa bão hòa
- Một số loại enzyme: lipase, catalase, oxidase, bradykinin…
- Các loại đường: glucose, galactose, mannose…
- Nhóm chất chống oxy hóa: aloe emodin, barbaloin, axit cinnamic, axit hysophanic…
Xem thêm: Dây thìa canh
Tác dụng của cây nha đam
Ngoài tác dụng làm đẹp cho da, cây lô hội có tác dụng gì đối với sức khỏe của chúng ta, cùng tìm hiểu ngay nhé!
Theo y học cổ truyền, cây nha đam có vị đắng, tính mát, quy vào kinh can, vị. Với tác dụng thanh can nhiệt, thông tiện, cây nha đam được sử dụng để trị chứng can nhiệt, táo bón, làm giảm độc ba đậu.
Theo các nghiên cứu khoa học hiện đại, cây lô hội có những tác dụng sau:
Tăng cường chức năng, giúp gan khỏe mạnh
Sử dụng nước ép lô hội là một cách tuyệt vời giúp cải thiện chức năng gan của bạn.
Ngăn ngừa và điều trị tiểu đường
Một nghiên cứu khoa học được đăng trên trang Biological and Pharmaceutical Bulletin vào năm 2006 đã chỉ ra tác dụng chống tăng đường huyết trên chuột của phytosterol – một chất có trong cây lô hội. Sau khi tiêm phytosterol 1 tháng, lượng đường trong chuột đã giảm bớt. Các nhà nghiên cứu cho rằng cây nha đam có tác dụng tốt đối với người mắc tiểu đường tuýp 2 nếu kiên trì dùng trong thời gian dài.
Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Saudi Pharmaceutical Journal cũng đồng tình với điều này. Nghiên cứu tiến hành cho các bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 bổ sung gel nha đam mỗi ngày. Kết quả cho thấy sau 4 tuần chỉ số lipid giảm nhiều và sau 6 tuần chỉ số đường huyết của bệnh nhân cũng giảm đáng kể.
Tin liên quan
Nhuận tràng, chống táo bón
Nếu bạn đang bị táo bón, hãy sử dụng nước ép nha đam mỗi ngày. Uống nước ép cây nha đam bổ sung một lượng lớn nước cho cơ thể, đồng thời cải thiện hoạt động của các lợi khuẩn đường ruột, giúp cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả.
Cây nha đam tốt cho hệ tiêu hóa
Trong cây nha đam có chứa một số enzyme tiêu hóa có tác dụng phân giải đường và chất béo, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Hơn nữa, nha đam còn có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu ở dạ dày và ruột.
Một nghiên cứu được thực hiện trên 33 bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích cho thấy, sau thời gian sử dụng nước ép nha đam thì các cơn đau và khó chịu của họ đã thuyên giảm đáng kể.
Chống viêm hiệu quả
Khả năng chống viêm hiệu quả của cây nha đam được lý giải là do thành phần hóa học của nó. Trong cây nha đam có chứa một số hợp chất có tác dụng chống viêm tốt phải kể đến như là chromone C-glucosyl, bradykinin và axit salixylic.
Dẫn chứng rõ ràng hơn, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Alimentary Pharmacology and Therapeutics năm 2004 đã chứng minh rằng lô hội có tác dụng đối với việc điều trị chứng viêm ruột. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy cây lô hội có thể giúp làm dịu bệnh viêm loét kết tràng ở thể nhẹ hoặc ở giai đoạn hai.
Bù nước cho cơ thể
Lá của cây nha đam rất mọng bởi chúng chứa nhiều nước. Chính vì thế mà nhiều người sử dụng loại cây này để giải nhiệt, bù nước cũng như thanh lọc độc tố của cơ thể.
Ngoài ra, cây nha đam còn chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, giúp bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan.
Làm lành vết thương
Gel nha đam được biết đến là một phương thuốc làm lành vết thương ngoài da như vết bỏng độ một độ hai hoặc vết loét. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, gel cây lô hội giúp vết thương nhanh lành tốt hơn hẳn so với một số loại thuốc thông thường. Đây là một điều vô cùng hữu ích.
Tác dụng làm đẹp
Có lẽ là một thiếu sót lớn khi không nhắc đến tác dụng làm đẹp của cây nha đam. Từ xa xưa, nó đã được nữ hoàng Cleopatra Ai Cập sử dụng cho mục đích này. Với hàm lượng nước lớn cùng nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, cây lô hội giúp điều hòa độ ẩm của làn da, giúp da trở nên mịn màng và trắng sáng hơn, làm chậm quá trình lão hóa.
Các lưu ý khi sử dụng cây nha đam
Mặc dù cây nha đam rất tốt đối với sức khỏe nhưng cũng không nên lạm dụng. Khi sử dụng bạn nên chú ý những điều sau:
- Tránh sử dụng nha đam không nguyên chất
- Chú ý nhựa vàng khi sử dụng. Phần nhựa ở lớp vỏ bên ngoài của cây nha đam rất độc cho cơ thể. Vì vậy hãy chú ý đến điều này.
- Phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ dưới 12 tuổi không nên dùng cây nha đam. Trong cây có chứa chất gây co bóp tử cung và điều này không tốt với phụ nữ có thai.
- Chú ý với người đang dùng thuốc nhuận tràng. Do trong nha đam có chứa thành phần tốt cho việc nhuận tràng, việc dùng chung có thể gây ra các tổn thương cho gan và thận.
Bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cây nha đam và những tác dụng của nó đối với sức khỏe. Sử dụng cây nha đam đúng cách giúp cải thiện sức khỏe và sắc đẹp của bạn. Hãy liên hệ với chúng tôi nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần hỗ trợ. Cảm ơn đã theo dõi bài viết.